CỐP PHA – QUY TRÌNH THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

Cốp pha là một trong những thành phần quan trọng trong thi công xây dựng, với vai trò tạo hình bê tông, đảm bảo giữ đúng hình dạng và kích thước, chịu được tải trọng lớn. Để công trình đạt chất lượng cao thì việc thi công và nghiệm thu cốp pha theo quy chuẩn là cốt yếu.

cốp pha bê tông

Cốp pha – thành phần quan trọng trong xây dựng

Tìm hiểu chung về cốp pha:

Cốp pha là gì? 

Cốp pha (hay “coffrage”, cốt pha) là một dạng ván khuôn được sử dụng để tạo hình khi đổ bê tông, giúp bê tông giữ được hình dạng và kích thước trong quá trình đông kết và chịu được tải trọng trong quá trình thi công và sử dụng.

Cốp pha là phần không thể thiếu trong quá trình thi công xây dựng, cốp pha thường được phân loại dựa trên vật liệu tạo thành: 

  • Cốp pha bê tông
  • Cốp pha gỗ (gỗ phủ phim, gỗ thanh)
  • Cốp pha tôn (tôn hộp, tôn lá)
  • Cốp pha nhựa tổng hợp
  • Cốp pha kết hợp
cốp pha gỗ

Cốp pha gỗ dùng trong thi công xây dựng

Đà giáo và cấu tạo

Đà giáo hay giàn giáo là hệ thống khung tạm thời thường được dùng để nâng đỡ kết cấu công trình, đồng thời hệ khung có tác dụng làm bệ đỡ chứa đựng vật liệu hay sàn thao tác cho người sử dụng, đi lại trên nó.

Giàn giáo có thể được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, như gỗ, tre, thép, nhôm,… để đảm bảo sự an toàn và chắc chắn trong quá trình xây dựng, các chủ thầu đầu tư cần sử dụng giàn giáo từ những vật liệu bền vững để tăng khả năng tiếp cận trong các công trình rãnh sâu hoặc các công trình cao tầng.

cốp pha đà giáo, giàn giáo

Dựng giàn giáo để thi công tại các mặt bên, nhà cao tầng

Cấu tạo:

  • Cây chống đứng sử dụng ống D48 dày 2 ly
  • Thanh giằng ngang sử dụng ống D42 dày 2 ly
  • Cây chống đà sử dụng ống D42 dày 2 ly
  • Cột chống conson sử dụng ống D42 dày 2 ly
  • Kích chân sử dụng ống D32 để lắp vào ống D48, tăng đơ chân có thể nâng hạ giàn giáo đến 1m (thường sử dụng loại 30 – 50 cm)
  • Kích u đầu tương tự kích chân, trên đầu có thanh u để liên kết với xà gỗ.
cấu tạo cốp pha đà giáo

Cấu tạo giáo nêm

Các loại tải trọng tác dụng lên cốp pha đà giáo

Trọng lượng bản thân cốp pha, đà giáo

Đây là tải trọng tác dụng trực tiếp, bao gồm trọng lượng của ván khuôn, cốt thép, vật liệu định vị, vật liệu cố định,… Trọng lượng này phụ thuộc vào kích thước, vật liệu làm cốp pha đà giáo và kết cấu của công trình.

Trọng lượng bê tông, cốt thép

Đây là tải trọng tác dụng gián tiếp, bao gồm trọng lượng của bê tông và cốt thép đổ vào cốp pha. Trọng lượng này phụ thuộc vào khối lượng và cường độ bê tông cốt thép.

Trọng lượng rơi và xung lực khi đầm bê tông

Tải trọng này tác dụng đột ngột lên cốp pha đà giáo, bao gồm trọng lượng của bê tông rơi từ trên cao và xung lực khi đầm bê tông. Trọng lượng này phụ thuộc vào độ cao đổ bê tông và phương pháp đầm bê tông.

tải trọng tác dụng lên cốp pha đà giáo

Tải trọng trực tiếp và gián tiếp tác dụng đến cốp pha đà giáo

Trọng lượng gió và ngoại cảnh

Gió và các yếu tố ngoại cảnh, bao gồm trọng lượng của gió và các vật thể rơi từ trên cao cũng có thể tác dụng một phần tới đà giáo, phụ thuộc vào vị trí của công trình, tốc độ gió và các yếu tố ngoại cảnh khác.

Ví dụ: Khi thi công công trình ở khu vực có gió mạnh hay bão, trọng lượng gió có thể lên tới hàng tấn. Vì thế cần cân nhắc tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn cho con người và tiến độ của công trình.

Vì thế, khi thiết kế và thi công, cần tính toán và kiểm soát tất cả các yếu tố tác động và tuân thủ các yêu cầu, quy trình thực hiện để đảm bảo tốt nhất chất lượng công trình.

Yêu cầu chung khi lựa chọn cốp pha đà giáo

Đảm bảo độ cứng, ổn định, dễ tháo lắp, dễ lắp dựng cốt thép, dễ đầm bê tông

Cốp pha đà giáo phải có độ cứng, ổn định để chịu được các tải trọng tác dụng lên nó, bao gồm trọng lượng bản thân nó, trọng lượng bê tông, cốt thép, trọng lượng rơi và xung lực khi đầm bê tông, trọng lượng gió và ngoại cảnh. Đồng thời phải dễ dàng trong tháo lắp để thuận tiện trong quá trình thi công và tháo dỡ sau khi hoàn thiện công trình.

yêu cầu khi lựa chọn cốp pha đà giáo

Cốp pha đà giáo phải đảm bảo độ cứng, chắc chắn, ổn định, dễ dàng tháo lắp

Đảm bảo kín khít, chống dính, bảo vệ bê tông mới đổ dưới tác động của thời tiết

Bề mặt cốp pha phải kín khít để không làm mất nước bê tông, tránh bê tông bám dính vào và giúp dễ tháo dỡ sau khi bê tông đông kết. Thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ bốc hơi nước của bê tông tươi: nhiệt độ cao, độ ẩm thấp tốc độ bốc hơi càng lớn và ngược lại. 

Tuân theo chỉ dẫn của đơn vị chế tạo

Trong trường hợp lựa chọn cốp pha đà giáo tiêu chuẩn chế tạo sẵn, cần tuân theo chỉ dẫn để đảm bảo lắp dựng và sử dụng đúng cách, an toàn, hiệu quả.

Căn cứ thi công nghiệm thu cốp pha đà giáo:

Quy trình do công ty ban hành

Mỗi công ty xây dựng đều có quy trình thi công và nghiệm thu riêng. Quy trình này được xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật, quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng, đồng thời phù hợp với điều kiện và nguồn lực hiện tại của công ty.

Tài liệu, giáo trình chuyên ngành

Các tài liệu, giáo trình chuyên ngành cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về cốp pha đà giáo, giúp người thi công và nghiệm thu hiểu rõ về nguyên lý, cấu tạo, yêu cầu kỹ thuật và quy trình thi công nghiệm thu .

Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng

Đây là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các yêu cầu kỹ thuật, an toàn trong thi công xây dựng. Ví dụ: TCVN 4453:1995. Các QCXD và TCXD là căn cứ bắt buộc phải tuân thủ khi thi công.  

Kinh nghiệm từ cán bộ dày dặn kinh nghiệm

Học hỏi kiến thức và kinh nghiệm dày dặn từ các cán bộ kỹ thuật và chỉ huy trưởng là cách tốt để trau dồi thêm. Họ có thể cung cấp các hướng dẫn, tư vấn, và lời khuyên hữu ích giúp đảm bảo chất lượng thi công và nghiệm thu cốp pha đà giáo.

học hỏi kinh nghiệm về thi công cốp pha

Các cán bộ kỹ thuật và chỉ huy trưởng đang nghiên cứu bản thiết kế

>>> Xem thêm các kinh nghiệm thi công TẠI ĐÂY

Yêu cầu thi công nghiệm thu cốp pha đà giáo:

Yêu cầu thi công

  • Cây chống đứng phải được đặt trên nền bằng phẳng, có độ vững chắc ổn định
  • Khi thi công phải có mốc trắc đạc gửi để thuận tiện cho việc triển khai thi công và kiểm tra tim trục, cao độ
  • Ổn định cốp pha bằng thanh giằng, văng chống, mỏ neo. Cần tính toán kỹ số lượng để đảm bảo sức chịu tải, các liên kết phải bố trí đầy đủ
  • Bố trí lỗ thoát nước thích hợp ở đáy cốp pha để phục vụ công tác vệ sinh xịt rửa trước khi lắp dựng cốt thép.

Yêu cầu tháo dỡ

  • Chỉ tháo dỡ khi bê tông đủ cường độ chịu được trọng lượng bản thân và các tải trọng khác khi thi công các công tác sau, và tránh gây ứng suất đột ngột
  • Các bộ phận khi không còn chịu lực như thành be có thể tháo khi cường độ đạt 50n/cm2
  • Cốp pha chịu lực của kết cấu chỉ được tháo khi đạt cường độ và ngày tuổi theo quy định trong TCVN 4453:1995 
  • Kết cấu ô văng, con son, sê nô chỉ được tháo khi đạt đến cường độ thiết kế
  • Đối với nhà nhiều tầng, phải giữ lại toàn bộ đà giáo và cột chống ở tấm sàn nằm kề dưới.
yêu cầu tháo dỡ cốp pha

Chỉ tiến hành tháo dỡ cốp pha khi bê tông đạt đủ cường độ chịu lực

Yêu cầu nghiệm thu

  • Kiểm tra hình dáng kích thước bằng mắt
  • Kiểm tra các liên kết cốp pha đà giáo
  • Độ phẳng giữa các tấm ghép nối
  • Độ kín khít giữa các tấm và của cốp pha với mặt nền
  • Kiểm tra các hệ thống chôn ngầm đặt sẵn: ME, PCCC…
  • Kiểm tra công tác vệ sinh
  • Kiểm tra chi tiết kích thước cao độ theo TCVN 2253:1995
  • Kiểm tra độ ẩm của cốp pha trước khi đổ bê tông
  • Kiểm tra cột chống, thanh giằng, TIREN, kích u đầu, kích chân phải đầy đủ.

Quy trình thi công cốp pha đà giáo:

Bao gồm 3 loại phổ biến: móng ván, cột ván và dầm sàn ván phủ phim. Dưới đây là quy trình bắt buộc phải tuân theo tại tất cả các công trình của TIDIARC để đảm bảo chất lượng công trình và sự an toàn của công nhân xây dựng:

Quy trình thi công cốp pha móng ván phủ phim

  1. Trước khi lắp dựng cốt thép móng cần bật mực tim trục dầm đài móng, bật mực và mực gửi cốp pha lên lớp bê tông lót để thuận tiện cho công tác thi công và kiểm tra. Nếu nền bê tông lót bị ướt có thể sử dụng đinh cọc và căng dây
  2. Sau khi lắp dựng cốt thép và lắp đặt con kê xong đóng đinh cố định làm cữ cho lòng trong cốp pha vào lớp bê tông lót
  3. Trước khi lắp dựng, cần lựa chọn loại và độ dày của cốp pha phù hợp với chiều cao kết cấu móng để đảm bảo chất lượng
  4. Gia công và lắp dựng theo đúng kích thước. Sử dụng hộp đà chống, TIREN, tăng kích để giằng các tấm cốp pha vào với nhau, neo chống vào nền cứng có đủ khả năng chịu lực
  5. Căn cứ vào mốc đã định vị, đo đạc kiểm tra thường xuyên để đảm bảo kích thước, độ thẳng đứng, độ kín khít và ổn định của cốp pha.
đảm bảo chất lượng cốp pha

Đo đạc, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng cốp pha

Quy trình thi công cốp pha cột ván phủ phim

  1. Được tiến hành sau khi đã nghiệm thu cốt thép cột, bật mực định vị tim cột, mép và mốc gửi của cốp pha
  2. Cốp pha trước khi đưa vào lắp dựng phải được lựa chọn cho phù hợp và được gia công theo đúng kích thước thiết kế và tổ hợp ghép nối để đảm bảo được kín khít
  3. Các tấm cốp pha được ghép nối với nhau bằng sắt hộp, TIREN hoặc hàn; được chống đỡ cố định bằng các cây chống xiên tăng kích kết hợp với cáp tăng neo xuống sàn  
  4. Căn cứ vào mực gửi dùng thước thép kiểm tra lại kích thước chân cột, sử dụng máy laze để kiểm tra độ thằng đứng của cột theo các phương. Gửi mốc cao độ của cột trước khi đổ bê tông và tiến hành nghiệm thu
  5. Sau khi đổ bê tông xong cần kiểm tra lại kích thước chân cột, độ thẳng đứng của cột.

Quy trình thi công cốp pha dầm sàn ván phủ phim

tuân thủ quy trình thi công cốp pha

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công

  1. Xác định vị trí tim trục đầu cột và tim trục dầm, bật mực gửi lên đầu cột
  2. Cốp pha trước khi đưa vào lắp dựng phải được lựa chọn cho phù hợp và được gia công theo đúng kích thước thiết kế và tổ hợp đà giáo cần được tính toàn phù hợp với kết cấu dầm sàn
  3. Tính toán tổ hợp lên bản vẽ shop lắp dựng giáo chống cho dầm riêng, sàn riêng. Lắp dựng hệ thống xà gồ và cốp pha đáy dầm, thành dâm. Sử dụng TIREN, tăng kích cho đến cao độ thiết kế. 
  4. Căn cứ vào mực gửi dùng thước thép kiểm tra lại kích thước tim dầm, sử dụng máy laze để kiểm tra cốt đáy dầm và đáy sàn dầm nghiệm thu theo TCVN 4453:1995
  5. Sau kiểm tra nghiệm thu đáy dầm và thành tiếp tục lắp đặt xà gỗ và ván sàn. Dùng băng dính xử lý kín khít những vị trí nối tấm sàn
  6. Sau khi lắp xong ván sàn, tiến hành kiểm tra nghiệm thu tim dầm và cốt dầm sàn. Xịt rửa vệ sinh trước khi lắp dựng cốt thép.
  7. Thường xuyên kiểm tra chống, thanh giằng trong suốt quá trình đổ bê tông.

>>> Xem thêm Hướng dẫn thi công cốp pha dầm sàn đúng kỹ thuật TẠI ĐÂY

TIDIARC tự hào là đơn vị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, đã và đang thực hiện hàng trăm dự án lớn, nhỏ từ Bắc vào Nam. Trong đó có chuỗi biệt thự Vinhome Riverside, tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo, chuỗi khách sạn cao cấp Phố cổ Hà Nội… cùng nhiều công trình nhà ở tư nhân khác. Với Bộ Quy trình Thi công & Giám sát chuẩn Dự án Cao cấp và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm, chúng tôi cam kết mang đến các công trình chất lượng, thẩm mỹ nhất tới khách hàng.

Mọi nhu cầu về thiết kế hoặc thắc mắc về các vấn đề trong thi công xây dựng, mời quý khách hàng tham khảo thêm tại mục DỊCH VỤ hoặc liên hệ trực tiếp với TIDIARC để nhận tư vấn và báo giá chi tiết.

TIDIARC – Đem quy trình thi công và giám sát chuẩn dự án cao cấp vào ngôi nhà của bạn.